Sóc Trăng
Vị trí: Sóc Trăng là một tỉnh ven biển, nằm trong vùng hạ lưu Nam sông Hậu thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Ở phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, ở phía Tây Nam giáp Bạc Liêu, ở phía Đông Bắc giáp Trà Vinh và giáp biển Đông ở phía Đông và Đông Nam. Sóc Trăng nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Tỉnh có đường bờ biển dài 72 km.
Diện tích: 3.298,2 km²
Dân số: 1.406.800 người
GRDP (2022): 74.709 tỉ đồng (3,1 tỉ USD)
GRDP đầu người (2022): 53,1 triệu đồng (2.243 USD)
Hạ tầng giao thông:
Đường bộ: Trên địa bàn 5 tuyến Quốc lộ: Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, Đường Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp, Quốc lộ 61B và 14 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 600 km, hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn có hơn 3.700 km. Mạng lưới đường ô tô khá dài chiếm khoảng 129 km.
Đường thủy: có 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề của Sông Hậu và Mỹ Thanh của Sông Mỹ Thanh đổ ra biển Đông rất thuận lợi cho giao thông đường thủy.
Khu công nghiệp: Tổng cộng 5 khu công nghiệp (1,114.13 ha), trong đó KCN An Nghiệp (251.13 ha) đang hoạt động và đã lắp đầy, KCN Trần Đề (160 ha) đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, KCN Sông Hậu (Sóc Trăng) diện tích 286 ha, gần cảng Cái Cui (Cần Thơ); KCN Đại Ngãi diện tích 200 ha, nằm gần Trung tâm Điện lực Long Phú; KCN Mỹ Thanh diện tích 217 ha, nằm cặp tuyến Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ 60 và sông Hậu thuận lợi về giao thông thủy, bộ đang triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư.
Cụm công nghiệp: Tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 06 cụm công nghiệp.
Tình hình đầu tư: Trong năm 2022 Sóc Trăng đã thu hút nguồn vốn gần 227.000 tỷ đồng (trong đó, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 2.434 tỷ đồng; trao 4 quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng; ký kết 18 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 212.000 tỷ đồng trong các lĩnh vực); có 413 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.066, tổng vốn 52.441 tỷ đồng, trong đó vốn FDI là 1.448,5 tỷ đồng (10 doanh nghiệp), góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.
Đối tác đầu tư: Tập đoàn Super Energy Thái Lan, Công ty TNHH Tuntex Sóc Trăng Việt Nam (May mặc – Đài Loan); Công ty TNHH Broadpeak Sóc Trăng (may mặc, túi xách, giày da – Hàn Quốc; Công ty TNHH Thủy sản Việt úc Sóc Trăng (Nuôi trồng thủy sản – Australia).
Tiềm năng, lợi thế: Sóc Trăng là tỉnh giáp biển, với đường bờ biển dài 72km, sức gió bình quân hơn 6m/giây, là một trong những địa phương có tiềm năng gió khá lý tưởng để phát triển điện gió… Bên cạnh đó, Sóc Trăng sở hữu ba vùng sinh thái ngọt – mặn – lợ là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi. Dân số gần 1,2 triệu người, lực lượng lao động dồi dào với trên 640 nghìn người là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt, cảng biển Trần Đề được Chính phủ đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt.
Phát huy những lợi thế sẵn có, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Sóc Trăng đang tập trung các nguồn lực thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, phát triển khu cụm công nghiệp, phát triển kinh tế biển và năng lượng tái tạo.