Phú Yên
Phú Yên là tỉnh thuộc Duyên Hải Nam Trung Bộ, nằm giữa hai dãy đèo lớn của đất nước là đèo Cù Mông phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam. Hệ thống giao thông Phú Yên khá thuận lợi, có Quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất đi qua; Quốc lộ 25 nối với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, Quốc lộ 29 nối cảng biển quốc tế Vũng Rô với cửa khẩu Đắc – Ruê (Đắk Lắk); Sân bay Tuy Hòa có khả năng tiếp nhận loại máy bay lớn như: A321, Boeing 747.… hiện nay đang khai thác tuyến bay Tuy Hòa – TP. Hồ Chí Minh và Tuy Hòa – Hà Nội.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.060 km2, trong đó, đồi núi chiếm 70% diện tích, địa hình dốc từ Tây sang Đông và bị chia cắt mạnh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, phía Đông giáp biển Đông. Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.
Tỉnh có lợi thế phát triển kinh tế biển, nhất là cảng biển nước sâu. Đặc biệt với bờ biển dài 189 km, “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, nhiều bãi tắm đẹp và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, Phú Yên có tiềm năng phát triển du lịch. Với có vị trí địa lý quan trọng, với các tuyến giao thông khá đồng bộ từ đường sắt, đường bộ, hàng không và hàng hải. “Đây là một trong những điều kiện thuận lợi đưa Phú Yên trở thành đầu mối giao lưu kinh tế Bắc Nam và Đông Tây”, Thủ tướng chỉ rõ.
Tỉnh vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tái cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh tế, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; tăng cường liên kết vùng để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Trong giai đoạn 2018 – 2022, tổng vốn đầu tư của khu vực đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Các dự án này đã tạo ra việc làm cho hơn 23.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động gián tiếp với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/tháng/người.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên xác định tập trung thu hút, triển khai các dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị toàn cầu; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo vệ môi trường và giải quyết tốt các vấn đề xã hội; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.