Lạng Sơn
Vị trí: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam; cách thủ đô Hà Nội 154 km đường bộ và 165 km đường sắt; phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông bắc giáp Trung quốc, phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Bắc Cạn.
Diện tích: 8.310,18 km²
Dân số: 796.900 người
GRDP (2022): 34,3 nghìn tỉ đồng (1,49 tỉ USD)
GRDP đầu người (2022): 44 triệu đồng (1.913 USD)
Hạ tầng giao thông:
Đường bộ: Có Quốc lộ 1, quốc lộ 1B, quốc lộ 3B, quốc lộ 31, quốc lộ 4A, quốc lộ 4B, quốc lộ 279, đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Đường sắt: đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, sông Kỳ Cùng đi qua.
Khu công nghiệp: 3 Khu công nghiệp
Cụm công nghiệp: có 16 cụm công nghiệp
Tình hình đầu tư: Đối với việc đầu tư từ nước ngoài phải kể đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn (Khu công nghiệp Hữu Lũng) có quy mô 599,76 ha, được triển khai ở các xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) là nhà đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6.361 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 275 triệu USD. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 954,2 tỷ đồng, tương đương 41,2 triệu USD. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 15/5/2023.
Đối tác đầu tư: Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước Đức, Hàn, Nhật, Trung Quốc.
Tiềm năng, lợi thế: Ngoài những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa nhân văn phong phú… Lạng Sơn còn là tỉnh miền núi có hệ thống giao thông thuận lợi, có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253 km; có 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi) và 7 cặp chợ biên giới tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của tỉnh trong cả nước với Trung Quốc, sau đó sang các nước Trung Á, châu u. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi Nhà nước đang thực hiện chính sách đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, thì Lạng Sơn càng có điều kiện để phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt kinh tế thương mại – du lịch – dịch vụ. Khu kinh tế cửa khẩu là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động nhất, đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội, là trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả tỉnh.
Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Nhiều năng lực sản xuất mới được đầu tư bổ sung. Nhà máy nhiệt điện Na Dương công suất 100MW cùng với mỏ than Na Dương sản lượng khai thác trên 50 vạn tấn hoạt động ổn định, Nhà máy xi-măng Hồng Phong công suất 8,5 vạn tấn/năm đã đi vào vận hành, phục vụ di chuyển Nhà máy xi-măng hiện nay ra khỏi khu vực thành phố Lạng Sơn; đang tiến hành xây dựng Nhà máy xi-măng Đồng Bành công suất 91 vạn tấn/năm, xúc tiến xây dựng Khu công nghiệp Đồng Bành, thủy điện Khánh Khê và một số công trình công nghiệp quan trọng khác. Khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển năng động, đa dạng về quy mô và cơ cấu ngành nghề, một số lĩnh vực sản xuất mới như máy bơm, sản xuất linh kiện xe máy, gốm sứ, bật lửa ga… cũng đã được đầu tư trong thời gian vừa qua.