Tổng quan về Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, nằm liền kề với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam. Phan Thiết là thành phố thủ phủ của tỉnh, cách Thành phố Hồ Chí Minh 198 km, TP Vũng Tàu 150 km, Đà Lạt 175 km, Nha Trang 250 km và cách thủ đô Hà Nội 1.520 km về phía Nam.
- Diện tích: 7.942,6 km²
- Dân số: 1.246.300 người
- GRDP (2022): 70.000 tỉ đồng (3 tỉ USD)
- GRDP đầu người (2022): 60 triệu đồng (2.500 USD)
- Khu công nghiệp: Bình Thuận có 09 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam, có tổng diện tích 3.003,43 ha; với 08 KCN đa ngành và 01 KCN chuyên ngành;
- Hạ tầng giao thông:
– Đường bộ:
+ Đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo đã hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2022 qua đó rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Phan Thiết chỉ còn khoảng 2 giờ đi xe ô tô;
+ Quốc lộ 1A đi dọc chiều dài của tỉnh, phía Nam nối với Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh; phía Bắc nối với Ninh Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh phía Bắc;
+ Quốc lộ 55 dài 152,5 km, kết nối tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Bình Thuận – Lâm Đồng;
+ Quốc lộ 28 nối Phan Thiết với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên;
+ Tất cả các KCN trên địa bàn tỉnh đều nằm cạnh đường Quốc lộ 1A và có đường dẫn vào đường cao tốc nên việc vận chuyển hàng hóa từ KCN đi tới cảng nước sâu ở các tỉnh phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh cũng như cảng quốc tế Vĩnh Tân của tỉnh Bình Thuận thuận lợi và nhanh chóng hơn.
– Đường thủy: Bình Thuận có bờ biển dài 192 km. Nằm cạnh đường hàng hải quốc tế. Bình Thuận sở hữu 04 Cảng tổng hợp, tạo ra nhiều lựa chọn vận chuyển, giảm chi phí logistics và mở rộng khả năng xuất khẩu hàng hóa từ Bình Thuận ra thị trường quốc tế.
+ Cảng quốc tế Vĩnh Tân tiếp nhận được tàu có trọng tải lên đến 50.000 DWT,
+ Cảng biển Phú Quý, Cảng Phan Thiết có thể tiếp nhận tàu 1.000 DWT;
+ Cảng quốc tế Sơn Mỹ nằm phía Nam của tỉnh đã được bổ sung vào quy hoạch cảng biển thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2022 – 2025 có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 70.000 DWT
– Đường sắt:
+ Tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu đi dọc chiều dài của tỉnh, ga Bình Thuận nằm tại huyện Hàm Thuận Nam cách thành phố Phan Thiết 15 km có khả năng tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn.
+ Sắp tới, Tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam chạy dọc địa bàn Tỉnh, năng lực vận chuyển hàng hóa từ Bình Thuận đi cả nước sẽ được nâng tầm cả về quy mô, chất lượng lẫn tốc độ, mang lại sự thuận lợi và giảm thiểu chi phí cho Nhà đầu tư.
– Hàng không: Bình Thuận đang triển khai đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Phan Thiết với quy mô cấp 4E, chiều dài đường băng khoảng 3.050m với công suất thiết kế 2 triệu lượt khách/năm, có khả năng tiếp đón các loại máy bay đời mới A350-900, A321, B737,…
- Đào tạo, dạy nghề: Bình Thuận có hệ thống các trường chuyên nghiệp, dạy nghề đang phát triển cả trong và ngoài công lập. Bình Thuận có 01 trường đại học, 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp nghề, 15 trung tâm đào tạo nghề và 09 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Hàng năm đã đào tạo nghề cho hơn 16.000 lao động. Cơ cấu ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất công ghiệp.
- Dự án tạo động lực:
Ngày 03/12/2023, Thủ tướng chính phủ có chuyến thăm và làm việc tại Dubai. Tại đây, Tập đoàn năng lượng xanh lớn nhất thế giới là Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cho biết nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3.5 GW tại tỉnh Bình Thuận, với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.5 tỷ USD. Các thủ tục đang được hoàn tất để triển khai và hoàn thành dự án trước 2030.
Bên cạnh đó, ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy (EE) – Tập đoàn đa ngành của Anh cho biết đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận. Dự án gồm 2 cấu phần là Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3,400 MW, tổng mức đầu tư 11.9 tỷ USD và Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2,000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD. Tập đoàn nỗ lực và sẵn sàng đưa vào khai thác thương mại cho dự án Thăng Long Win và Thăng Long Win2 vào năm 2029.
- Góc nhìn chuyên gia:
Trao đổi với Ban soạn thảo của IPHUB.VN, ông Nguyễn Phước Nhâm, chuyên gia BĐS Công nghiệp, Giám đốc Phát triển kinh doanh (BBD), Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển doanh nghiệp An Phú cho biết: ”Bình Thuận hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, cụ thể là: Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư hiện đại, đồng bộ; Vị trí địa lý nằm cạnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; Thuận lợi trong việc kết nối logistics; Địa chất nền đất tốt, giúp nhà đầu tư tiết kiệm rất nhiều chi phí nền móng; Giá thuê đất cạnh tranh (khoảng 1/3 so với mặt bằng giá đất tại Đồng Nai hay BRVT); Số giờ nắng bình quân hàng năm cao nhất cả nước, thuận lợi cho các ngành sản xuất công nghiệp; Lực lượng lao động trẻ tại địa phương dồi dào; Có hệ thống các trường dạy nghề hàng năm đào tạo gần 02 vạn nhân công nhân lành nghề; Có cơ sở hạ tầng lưu trú cao cấp phục vụ chuyên gia cao nước ngoài đến sinh sống và làm việc… Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác thu hút đầu tư FDI chưa đạt được như kỳ vọng. Với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Đường cao tốc Dầu Dây – Phan Thiêt và Phan Thiết – Vĩnh Hảo giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Bình Thuận chỉ còn 2 giờ, vị thế của Bình Thuận nay đã khác, cùng với sự quan tâm đầu tư rót vốn hàng chục tỷ USD từ các Tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng xanh sẽ là yếu tố cộng hưởng giúp không khí thu hút đầu tư FDI vào Bình Thuận sắp tới sẽ vô cùng sôi động”.
Theo ghi nhận từ Ban quản lý các KCN Tỉnh và các Tổ chức tư vấn đầu tư, lượng đơn hàng tìm kiếm địa điểm đầu tư tại Bình Thuận đã tăng vọt từ quý II/2023. Những bất cập về việc niêm yết giá thuê đất quá thấp so với Đồng Nai và BRVT sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Vấn đề là Nhà đầu tư nào sẽ nhanh chân chọn được vị trí tốt và tận dụng được khoảng thời gian vàng khi BĐS Công nghiệp của Bình Thuận đang trong quá trình trỗi dậy mạnh mẽ?
(Biên tập: Ban soạn thảo IPHUB.VN có tham khảo số liệu từ BQL KCN tỉnh Bình Thuận và Chủ đầu tư các KCN).