Bình Phước
Vị trí: Bình Phước là tỉnh ở miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 240 km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, là cửa ngõ và là cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Cụ thể, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Bình Dương; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk và Campuchia.
Diện tích: 6.873,56 km²
Dân số: 1.034.000 người
GRDP (2022): 92.112 tỉ đồng (3,91 tỉ USD)
GRDP đầu người (2022): 85,1 triệu đồng (3.657 USD)
Hạ tầng giao thông:
Đường bộ: Trên địa bàn tỉnh giao thông được thông suốt nối trong và ngoài tỉnh, hầu hết được nhựa hóa. Với các tuyến đường chính như Quốc lộ 13 từ cầu Tham Rớt đi theo hướng Nam – Bắc qua trung tâm huyện Chơn Thành, Bình Long đến cửa khẩu Hoa Lư với tổng chiều dài là 79,90 km, Quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước về Thành phố Hồ Chí Minh với 112,70 km.
Đường sắt: Dự kiến đến năm 2020-2025 sẽ có tuyến đường sắt xuyên Á đi qua cửa khẩu Hoa Lư với tuyến đường sắt đi Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ. Tuyến đường xuyên Á sẽ nối với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Thái Lan thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và người qua lại giữa các nước trong khu vực.
Khu công nghiệp: 15 khu công nghiệp cung cấp tổng diện tích lên đến 4.686 ha và được giao cho 11 nhà đầu tư hạ tầng.
Cụm công nghiệp: Đề xuất quy hoạch 61 cụm khu công nghiệp Bình Phước giai đoạn 2021-2030.
Tình hình đầu tư: Bình Phước thu hút được 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký lên đến 610 triệu USD, tăng gấp 12 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2022 và bằng hơn 200% so với kế hoạch năm.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 378 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn hơn 4 tỷ USD; 1.222 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 119.000 tỷ đồng.
Đối tác đầu tư: C.P (Thái Lan), Far Eastern Investment (Taiwan), Color & Touch (Korea).
Tiềm năng, lợi thế: Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là 01 trong 8 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế, đặc biệt với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Nhìn về tương lai, Bình Phước có điều kiện thuận lợi ngày càng gia tăng cho sự phát triển của tỉnh và cả vùng.
Ngoài ra, tỉnh có thuận lợi là quỹ đất sạch rộng lớn của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có thể giao về cho địa phương để phát triển các khu công nghiệp, thuơng mại – dịch vụ và đô thị.
Tỉnh Bình Phước đã ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó ngoài quy định đầy đủ nội dung ưu đãi theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho xã hội hóa các lĩnh vực: Giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.